Bố
tôi vốn xuất thân nghề giáo, nhưng khi vào lính, ông lại là một trong
bốn sĩ quan đầu tiên được gởi đi học ngành thông tin báo chí tại Hoa Kỳ.
Tốt nghiệp được chuyển về làm việc tại Trung ương, chuyên lo tiếp xúc
và phổ biến tin tức chiến sự cho báo chí trong ngoài nước.
Sau
chiến tranh, do quá trình đi Mỹ và cộng tác với người Mỹ, đã đem lại
nghiệp quả đưa ông vào trại cải tạo gần 13 năm, trong đó có 5 năm lao
động tại chính quê mình, tức trại Ba Sao-Nam Hà, nơi từng giam giữ tù
binh Mỹ và hình sự thứ dữ, cách làng bố tôi chừng 30 cây số.
Ra
khỏi trại vào thời điểm Hà Nội mở cửa, không khí xã hội có phần dễ thở.
Bản thân ông kiếm được một chân súc chai bên quận 5, Sài Gòn, lương
khoán đủ ăn nhưng khá vất vả. Tình cờ mẹ tôi có quen một người bạn cũ,
cô này nhờ bà kiếm cho một người dạy kèm Anh văn với điều kiện ông này
phải là sĩ quan chế độ cũ, đã đi học Mỹ, ngành Không Quân, phi công càng
tốt. Bố tôi có phần đắn đo vì từ lâu không ôn tập loại sinh ngữ này.
Nhưng từ sau 75, ông có phần “nhẹ ký” trong các quyết định của gia đình,
mẹ tôi lại có bí danh “bà Lê Duẩn” vì tính quyết đoán (tên này do cậu
em vui tính đặt cho), nên không còn cách nào hơn là nhận đại cho mẹ tôi
vui lòng.
Cũng
do tiền công được trả bằng ba lần lương súc chai, mỗi tuần chỉ dạy 3
buổi, lại được hứa dạy khá sẽ trả thêm. Vừa có khiếu sư phạm, lại có khả
năng Anh ngữ thực dụng, kèm theo cái “bùa” là đã đi Mỹ nên chuyện làm
ăn coi như suôn sẻ. Quả là bố tôi có duyên với Mỹ, do đi Mỹ mà thời gian
cải tạo kéo dài, nay nhờ đi Mỹ lại biến thành cần câu cơm cho chính bản
thân ông. Các đối tượng bố tôi kèm thuộc loại khách “sộp,” đa số là
phái nữ thuộc thế hệ trẻ, có việc làm trong các dịch vụ, nhà hàng, khách
sạn, du lịch thời mở cửa nên cuộc sống tạm ổn.
Mấy
năm sau, ông và cả gia đình được sang Mỹ theo diện H.O., một chương
trình tị nạn dành cho các tù cải tạo. Ðúng là sông có khúc, người có
lúc, đời ông lại có dịp lên hương. Bố tôi và các chiến hữu sau 75 có
thầm trách người Mỹ đã quay lưng lại các ông, nhưng qua chương trình này
các gia đình tù cải tạo lại biết ơn nước Mỹ đã tạo cho họ cơ hội không
bao giờ ngờ đến.
Sang
Mỹ, vốn đã lao động quen, tuổi đời giờ cũng lỡ cỡ, bố tôi nhắm ngay vào
các trường học xem có chỗ nào mướn làm custodian (lo vệ sinh quét dọn
cho trường). Job này xem ra hợp với ông, có benefits đầy đủ, lại khó bị
lay off. Nhưng sức khỏe kém, chậm, khó cạnh tranh nổi với các ông bạn
Mễ, nên bố tôi bỏ cuộc. Quay ra đi học lại để kiếm trợ cấp theo diện di
dân, chờ ngày có job nào hạp sẽ tính. Cũng may chúng tôi đều lớn, biết
tự lo, gia đình không phải lệ thuộc vào bố tôi. Học được vài năm tại đại
học cộng đồng, vốn hiểu biết và trình độ Anh ngữ như được khơi lại, ông
muốn quay lại nghề dạy trẻ. Mộng ước rất bình thường là kiếm chân
Teacher Aid hoặc Tutor là đủ ăn.
Cơ
may lại mỉm cười với ông.Vào đầu thập niên 90, chính sách giáo dục của
bang Cali dành cho di dân thiểu số rất được ưu đãi. Thậm chí tại quận
hạt San Bernardino, nơi gia đình tôi định cư, Sở Học Vụ thành phố đã
thực hiện một dự án thí điểm nhằm giúp các học sinh di dân hội nhập
nhanh vào dòng chảy giáo dục Mỹ nên đã cấp xe bus đưa đón các học sinh
gốc Ðông Dương lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 5 tập trung về trường tiểu học
Warm Springs.
Rồi
mướn thêm các Tutor song ngữ gốc Việt, Miên, Lào để kèm cho các cháu,
đặc biệt cho các cháu mới đến trường. Bố tôi là một trong năm người được
chọn, tuy già nhất nhưng lại có kinh nghiệm sư phạm từ Việt Nam. Thỏa
lòng vì có job như ý, lại được một cô giáo gốc Việt có chồng là cựu sĩ
quan Mỹ từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam chỉ dẫn tận tình, đặc
biệt là nhắc ông khi khen hoặc khích lệ các em nên tránh cử chỉ gần gũi,
thân mật theo kiểu người Việt mình.
Làm
tutor một kèm một, thường một ngày chạy 3 lớp, bố tôi và các đồng
nghiệp trẻ đã giúp nhiều học sinh tí hon gốc Việt tránh được những bỡ
ngỡ ban đầu do không nói không hiểu được tiếng Anh vì quen nói tiếng mẹ
đẻ cho đến tuổi vào mẫu giáo. Kết quả sáng kiến nâng đỡ của sở, kết hợp
với công sức của thầy cô và phụ giáo đã giúp các em chỉ vài ba năm sau
đã quen với trường, với lớp, học tập ngang ngửa với các em bản xứ. Thậm
chí có em từ lớp 3 trở đi đã được bầu làm trưởng lớp, còn được chọn học
sinh xuất sắc trong tháng, trong năm là chuyện bình thường.
Ngày
làm tutor, buổi tối ông chịu khó ghi danh học thêm các lớp nghiệp vụ
trên Cal State university. Khi lấy được CBEST (chứng chỉ hành nghề giáo
viên), bố tôi rời Warm Springs đi làm Substitute Teacher theo sự điều
động của sở. Công việc có vất vả hơn, vừa lái xe tới trường theo sự phân
công mỗi ngày, vừa phải đứng lớp như một giáo viên thực thụ, trách
nhiệm có nặng nề hơn và nhiều thách thức mới cũng đến với bố tôi. Tuy
nhiên, nhờ tùy cơ ứng biến, biết sử dụng hiệu quả các helpers (học sinh
giúp việc), cộng với óc vui tính hài hước sẵn có, dáng dấp lại giống
'bố' của tài tử Jackie Chan rất được ưa chuộng trong các phim action của
Mỹ nên ông thu phục nhanh chóng cảm tình của các học sinh bậc tiểu học
dù accent có phần yếu kém so với giáo viên bản địa.
Cũng
từ kinh nghiệm đi dạy, bố tôi nhận ra rằng các trẻ em Mỹ bất kể màu da,
không giống như các trẻ Việt Nam thuộc thế hệ khi ông dạy học ở quê
nhà, thường chịu sự dạy dỗ theo kiểu gia trưởng. Các cháu ở đây có thói
quen mà ông gọi là “4 HAY”: hay hỏi, hay chỉ, hay mách, hay nói. Quả
đúng vậy, không hiểu là hỏi, đã biết là chỉ (cho người khác), thấy xấu
là mách (bất kể thân hay không thân), hăng hái phát biểu kể cả đôi lúc
cãi cũng rất hăng. Nói cho ngay, lúc đầu bố tôi có phần khó chịu với lối
“4 hay” này, nhưng sau ông phải nhìn nhận cái thói quen dù không được
dạy, tự nó đã hình thành và trở thành hữu ích trong tinh thần ganh đua
học hỏi, trong xây dựng các mối quan hệ cộng đồng và an ninh khu phố.
Nói đến tật hay mách, một giai thoại lý thú là bố tôi cũng có lần bị
“méc” vì biểu diễn mấy đường quyền (võ cổ truyền quê tôi) cho các em coi
lúc cuối giờ ngày Thứ Sáu. Ðầu tuần sau, bà hiệu phó gọi bố tôi lên
khuyên không nên làm như vậy. Từ đó ông quê độ, hễ có em nào hỏi ông
biết 'karate' không, ông gật đầu nhưng không dám show off.
Ðến
tuổi nghỉ hưu, bố tôi có ý định về dạy cho các cháu. Chuyện tức cười là
“bụt nhà không thiêng,” đứa con đầu lòng của bà chị tôi đến tuổi mẫu
giáo không chịu cho ông ngoại kèm homework. Có thể do nó nghi ngờ khả
năng của ông, phần khác bố mẹ nó lại có học vị cao trong ngành chữa
bịnh. Lựa lúc cả nhà đi vắng, ông lục tủ lấy tấm thẻ Teacher ID của ông
đem show cho nó. Thằng bé thấy hình ông, tên ông, có chữ Guest Teacher,
lại giống cái thẻ cô nó đeo toòng teng trước ngực. Nó bằng lòng cho ông
dạy. Từ đó về sau, dù ông đi vắng về trễ nó vẫn không chịu cho bố mẹ nó
giúp mà cứ đòi chờ ông về. Các đứa sau, kể cả con tôi, thấy ông dạy hay,
không cần show thẻ ông vẫn chinh phục được chúng.
Nghĩ
lại ở tuổi bố mẹ tôi, rất vui khi có cháu, càng mừng khi thấy chúng hội
nhập không quá khó khăn vào dòng chảy cuộc sống Mỹ. Ðiều đáng quan tâm,
như bố tôi thường trăn trở, là không lo các cháu không hội nhập nhanh,
mà là các cháu lại... quên nhanh tiếng Việt. Tình trạng này xảy ra trong
nhiều gia đình, nhất là bố mẹ phải lo kiếm sống, ít thì giờ chăm sóc
trực tiếp các con nhỏ. Lại nữa, hình như không nói ra, có một cái gì đó
nghịch lý trong phương pháp dạy dỗ con cái, nên các bậc phụ huynh chúng
tôi dù sự kỳ vọng có cao, nhưng vẫn phải chọn lối khuyến dụ
(encouragement) thay vì ép buộc (enforcement) cho phù hợp với xu hướng
giáo dục Mỹ.
Cũng
nhờ rút kinh nghiệm từ gia đình cậu mợ tôi, di tản qua Mỹ từ 75, nuôi
dạy các em tôi từ lúc chúng mới chỉ 2, 3 tuổi khi tới Mỹ, nhưng lớn lên
dù tốt nghiệp UCLA, USC tiếng Mỹ lưu loát như Mỹ con, ấy vậy mà vẫn nói
sõi và viết rành tiếng Việt. Bố mẹ tôi cũng thử áp dụng kinh nghiệm này.
Ông thì bỏ công mỗi tuần ít giờ luyện tiếng Việt, bà thì giao hẹn “tụi
mày về nhà nói tiếng Việt tao mới làm đồ Việt cho ăn.” Phương pháp này
xem ra vẫn còn hiệu nghiệm. Nhờ đi dạy nên các sách giáo khoa ông chọn
cùng các chuyện tranh song ngữ đăng trên các báo hải ngoại rất phù hợp
và gây thích thú cho tuổi thơ.
Về
phần chúng tôi, là các phụ huynh trực tiếp, cũng phụ đạo bằng cách lâu
lâu cho chúng “đi thực tế” về quê cũ để tận mắt chúng thấy con trâu đen,
cánh đồng lúa, cây trái nhiệt đới, hoặc các cảnh lạ nơi phố cổ Hội An,
cảnh sông nước vùng đồng bằng sông Cửu... chưa kể cho chúng làm quen với
bà con xóm cũ, năng tiếp xúc với tín hữu hội thánh xưa hay cô bác người
thân dưới quê... hầu thấm nhập vào ký ức tuổi thơ nét đẹp đa dạng và
tình người chân chất của miền đất cội nguồn nơi ông bà cha mẹ nó đã sinh
ra và lớn lên.
Kết
thúc câu chuyện duyên nợ của bố tôi với nước Mỹ, ông vẫn xúc động tâm
sự với chúng tôi là ông không thể ngờ trái đất xoay vần, số phận đẩy
đưa, ông lại có ngày trở lại xứ Mỹ, được cho đi kèm dạy các học trò đủ
mọi màu da, trong đó có cả chính con em gốc Việt của mình, để cùng đồng
nghiệp vun bồi, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển cộng đồng trong quá
trình hội nhập, góp phần xây dựng các thế hệ mới tiếp nối trên miền đất
luôn mở rộng vòng tay, tạo cơ hội cho mọi người, bất kể xuất xứ, miễn
có gan thì giàu có chí thì nên.
Ðỗ Mỹ Linh (với sự chấp bút của bố tôi).
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar