søndag 17. mars 2013

"Vì Người Ta Cần Ánh Mặt Trời"


"Vì Người  Ta Cần Ánh Mặt Trời"
Thơ NGUYỄN ĐẮC KIÊN

Vì khó khăn và bị bao vây như vậy nên bài viết của Nguyễn Đắc Kiên trở thành một trận sóng thần thông tin khi một nhà báo trẻ, đã vượt lên sợ hãi công khai viết một bài viết phản bác lại tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông này đi ngược lại mọi quy chuẩn chính trị cáo buộc nhóm kiến nghị 72 là suy thoái đạo đức, khi họ đòi hỏi phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, phải tam quyền phân lập và phi chính trị hóa quân đội.
Bài viết của Nguyễn Đắc Kiên đã phá sản tận cốt lõi lập luận và thói quen áp đặt dư luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là những lãnh đạo chóp bu. Sau bài viết nảy lửa này anh trở lại đời sống âm thầm của một người cầm viết tự do vì đã chính thức bị cho thôi việc tại tờ báo mà anh cộng tác.
Nguyễn Đắc Kiên không những là một nhà báo giỏi, can trường mà anh còn là một nhà thơ tài năng. Góc nhìn của Nguyễn Đắc Kiên trong tập thơ mang tên “Những số không vòng trắng” khiến chúng ta có dịp hiểu thêm về thái độ của anh trước thời cuộc hiện nay. Anh làm thơ không để thưởng thức một cách bình thản, với trà ngon với hương đồng gió nội hay bên khói hương trầm đọc thơ như thói quen của những người muôn năm cũ. Thơ của Kiên xoắn sâu vào lòng người, bẻ gãy sự vô cảm đang ăn mòn từng tế bào xã hội, bắt người đọc phải chọn thái độ mặc dù chỉ là một suy tư, và hơn hết chúng mang đến cho người đọc những thông tin đến trái tim chứ không phải khối óc.
Tập thơ mỏng chưa tới trăm trang với 13 bài thơ được tác giả cho là thơ lẻ và một bài kịch thơ 4 hồi. Những bài thơ được gọi là lẻ ấy có bài như một phán xét nghiêm khắc, có bài như nỗi đắng cay tràn qua mi mắt. Lại có bài vừa đọc lên thấy lâng lâng hạnh phúc nhưng tới cuối bài thì trở thành hụt hẫng, xót xa.
Thơ Nguyễn Đắc Kiên không có chỗ trống cho người đọc trú chân, anh buộc khách đọc thơ anh phải đồng hành, bỏ dép lê chân trên con đường đầy sạn sỏi. Những viên sỏi ấy làm khách khập khiễng đã đành, chúng còn bắt người dẫm lên chúng phải cúi xuống nhìn cái tác nhân gây ra đau đớn ấy.
Bài thơ “Vì người ta cần ánh mặt trời” của anh khiến không ít người giật mình. Con đường mà nhà thơ dẫn chúng ta đi sao quen thuộc quá. Chúng ta đã gặp nó từ khi ngồi trên ghế tiểu học với những bài học lịch sử dài đằng đẵng. Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống mảnh đất này nhưng đến bây giờ vẫn chưa ngừng đổ. Tuy có ít hơn, có âm thầm hơn nhưng vẫn là máu. Máu của người mất đất, của những tiếng nói đòi được nói. Máu rơi từ những lên tiếng kêu gào đòi tự do, điều mà hàng trăm năm cả dân tộc bị vùi dập vì thiếu thốn. Máu rơi nhưng quá ít người để ý, quá ít người quan tâm. Cuộc sống vẫn trôi như không có gì xảy ra. Cả cuộc sống đang ngủ vùi như chưa bao giờ được ngủ. Bài thơ lay lắt gọi, thảng thốt đánh thức những trái tim gần như lạnh giá.

Người Ta Cần Ánh Mặt Trời

tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
sợ nữa đi có sợ mãi được không,
cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xứng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!

Ingen kommentarer: