søndag 17. mars 2013

Lời Kêu Gọi Của Phật Giáo Hòa Hảo


Lời  Kêu  Gọi Của Phật  Giáo Hòa  Hảo
Đòi Nhà Cầm Quyền Trưng Cầu Dân Ý:
Xây Dựng Một Hiến Pháp Tự Do.
 
Kính quý vị lãnh đạo tôn giáo,
quý vị đại diện đòan thể,
qúy đồng đạo, đồng bào.
 
Thấm thóat đã 66 năm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vì đấu tranh cho tự do độc lập nước nhà đã bị Việt Minh Cộng sản ám hại. Cứ đến Mùa Đại Lễ Đức Thầy thọ nạn, là tín đồ Hòa Hảo chúng tôi nhắc nhau thực hiện Tứ Ân, trong đó có Ân Đồng Bào, Ân Đất Nước do Đức Thầy truyền dạy.
 
Sau 66 năm cai trị, đảng Cộng sản đưa đất nước vào đường bế tắc, văn hóa xuống cấp, đạo đức suy thóai, xã hội suy đồi, kinh tế bại lụi, đầy nguy cơ mất nước. Tựu chung là hậu quả của những sai lầm chánh trị của độc tài cộng sản. Mọi tiếng nói bất đồng đều bị quy tội phản động chống phá đảng và chống phá nhà nước cộng sản. Nhiều tín đồ Hoà Hảo hiện đang ở trong tù chỉ vì muốn theo Thầy giữ Đạo, thực hiện Tứ Ân.
 
Mùa Đại Lễ năm nay dấy lên một phong trào dân sự đòi đảng Cộng sản phải trả lại quyền Lập hiến và quyền Phúc quyết (Trưng Cầu Dân Ý) của tòan dân đã bị đảng Cộng sản tước đọat bấy lâu nay. Khởi đầu là Kiến Nghị do 72 nhân sĩ sọan thảo, kế đến là Kiến Nghị sinh viên và cựu sinh viên khoa Luật Hà Nội, rồi Tuyên Bố của các Công Dân Tự do dựa trên bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, Lá Thư Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, Lời Tuyên bố của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và gần nhất là Lời Kêu Gọi của Khối 8406.
 
Tôi Lê Quang Liêm Hội Trưởng Giáo Hội Trung Ương Phật Gíao Hòa Hảo Thuần Túy tán đồng quan điểm chánh trị và ủng hộ các ý kiến của Đức Tăng Thống, của Hội Đồng Gíam Mục Việt Nam, của các nhân sĩ, của anh chị sinh viên, của các Công dân Tự Do và của Khối 8406.
 
Tôi khẩn thiết kêu gọi các tôn giáo, các tổ chức đấu tranh, các nhân sĩ, anh chị sinh viên, cùng tn thể đồng bào, đồng đạo, liên kết đấu tranh đòi đảng Cộng sản phải chấp nhận một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sátđể tiến đến vịêc sọan một Hiến Pháp Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam.
 
Có tự do có dân chủ mới có thể thắng được giặc Tầu xâm lược, đưa đất nước đi lên hòa nhập cùng văn minh nhân lọai.
 
Huyền Phong Các, mùa Đại Lễ 25/2 âl Quý Tỵ (2013).

LÊ QUANG LIÊM
(Huyền Phong Cư Sĩ)

"Vì Người Ta Cần Ánh Mặt Trời"


"Vì Người  Ta Cần Ánh Mặt Trời"
Thơ NGUYỄN ĐẮC KIÊN

Vì khó khăn và bị bao vây như vậy nên bài viết của Nguyễn Đắc Kiên trở thành một trận sóng thần thông tin khi một nhà báo trẻ, đã vượt lên sợ hãi công khai viết một bài viết phản bác lại tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông này đi ngược lại mọi quy chuẩn chính trị cáo buộc nhóm kiến nghị 72 là suy thoái đạo đức, khi họ đòi hỏi phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, phải tam quyền phân lập và phi chính trị hóa quân đội.
Bài viết của Nguyễn Đắc Kiên đã phá sản tận cốt lõi lập luận và thói quen áp đặt dư luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là những lãnh đạo chóp bu. Sau bài viết nảy lửa này anh trở lại đời sống âm thầm của một người cầm viết tự do vì đã chính thức bị cho thôi việc tại tờ báo mà anh cộng tác.
Nguyễn Đắc Kiên không những là một nhà báo giỏi, can trường mà anh còn là một nhà thơ tài năng. Góc nhìn của Nguyễn Đắc Kiên trong tập thơ mang tên “Những số không vòng trắng” khiến chúng ta có dịp hiểu thêm về thái độ của anh trước thời cuộc hiện nay. Anh làm thơ không để thưởng thức một cách bình thản, với trà ngon với hương đồng gió nội hay bên khói hương trầm đọc thơ như thói quen của những người muôn năm cũ. Thơ của Kiên xoắn sâu vào lòng người, bẻ gãy sự vô cảm đang ăn mòn từng tế bào xã hội, bắt người đọc phải chọn thái độ mặc dù chỉ là một suy tư, và hơn hết chúng mang đến cho người đọc những thông tin đến trái tim chứ không phải khối óc.
Tập thơ mỏng chưa tới trăm trang với 13 bài thơ được tác giả cho là thơ lẻ và một bài kịch thơ 4 hồi. Những bài thơ được gọi là lẻ ấy có bài như một phán xét nghiêm khắc, có bài như nỗi đắng cay tràn qua mi mắt. Lại có bài vừa đọc lên thấy lâng lâng hạnh phúc nhưng tới cuối bài thì trở thành hụt hẫng, xót xa.
Thơ Nguyễn Đắc Kiên không có chỗ trống cho người đọc trú chân, anh buộc khách đọc thơ anh phải đồng hành, bỏ dép lê chân trên con đường đầy sạn sỏi. Những viên sỏi ấy làm khách khập khiễng đã đành, chúng còn bắt người dẫm lên chúng phải cúi xuống nhìn cái tác nhân gây ra đau đớn ấy.
Bài thơ “Vì người ta cần ánh mặt trời” của anh khiến không ít người giật mình. Con đường mà nhà thơ dẫn chúng ta đi sao quen thuộc quá. Chúng ta đã gặp nó từ khi ngồi trên ghế tiểu học với những bài học lịch sử dài đằng đẵng. Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống mảnh đất này nhưng đến bây giờ vẫn chưa ngừng đổ. Tuy có ít hơn, có âm thầm hơn nhưng vẫn là máu. Máu của người mất đất, của những tiếng nói đòi được nói. Máu rơi từ những lên tiếng kêu gào đòi tự do, điều mà hàng trăm năm cả dân tộc bị vùi dập vì thiếu thốn. Máu rơi nhưng quá ít người để ý, quá ít người quan tâm. Cuộc sống vẫn trôi như không có gì xảy ra. Cả cuộc sống đang ngủ vùi như chưa bao giờ được ngủ. Bài thơ lay lắt gọi, thảng thốt đánh thức những trái tim gần như lạnh giá.

Người Ta Cần Ánh Mặt Trời

tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
sợ nữa đi có sợ mãi được không,
cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xứng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!

CSVN Kẹt Cứng


Tưởng dễ ăn như hồi trước, Đảng CSVN mở chiến dịch kêu gọi “quần chúng nhân dân” góp ý sửa đổi Hiến Pháp. Nhưng CSVN đâu có dè bây giờ CSVN thua trí, thua kế của người dân Việt bị trị. Dân chúng VN, người dân Việt, tương kế tựu kế biến cuộc góp ý thành chiến dịch đấu tranh hợp pháp cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Người dân Việt yêu cầu bỏ điều 4 Hiến Pháp qui định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với toàn xã hội. Một cú tuyệt chiêu của ngưới dân Việt nhắm vào tử huyệt của CSVN.

Từ lâu, từ ngày theo đảng cho đến khi Đảng đưa lên làm Tổng Bí Thư Đảng CSVN, Nguyễn phú Trọng coi Đảng CSVN là “cha thiên hạ”, dưới cái vỏ sơn son thếp vàng tuyên truyền gạt dân, CS là đội tiên phong của nhân dân - dù không người dân nào ủy nhiệm cho Đảng, và đảng viên gia nhập Đảng chẳng người dân nào hay. Nên Nguyễn phú Trọng và cán bộ, đảng viên CS đã quen ra lịnh, bắt dân nghe, dân làm. CS không dè kỳ này ra lịnh dân góp ý, sửa đổi Hiến Pháp, thì dân không làm theo ý Đảng để củng cố quyền lực mà Đảng đã mạo nhận. Trái lại dân chúng VN lại đòi hỏi bỏ điều 4 Hiến Pháp, là gián tiếp đánh vào tử huyệt của CS.

Hơn ai hết CS biết nếu bỏ điều 4 Hiến Pháp là tiêu diêu sinh mạng chánh trị của Đảng CS. Nếu không có điều này, cán bộ đi chạy xe lôi, xích lô dân chúng còn chống nữa, chớ đừng nói được làm chủ tich này, bí thư nọ, bộ trưởng kia, giám đốc đó để ăn trên ngồi trước, ở nhà mát ăn bát vàng như bây giờ.

Nên khi một số nhân sĩ trí thức vận động được 6000 chữ ký yêu cầu đa đảng, đa nguyên, tung ra vào ngày 19/1/ 2013, thì Tổng Bí Thư CSVN chạm nọc, tẩu hỏa nhập ma, nói quàng nói xiêng. Tại tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngày 25/02/2013 Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói những ý kiến đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, có thể được quy là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại Hà Nội ngày 27/02/2013, vuốt đuôi Tổng Bí Thư, báo động phải đề cao cảnh giác về việc “lợi dụng việc lấy ý kiến về Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước».

CSVN còn trả thù vặt, làm một việc ruồi bu kiến đậu đối với một người góp ý nữa. Chỉ một ngày sau khi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên viết một bài trên internet phê bình TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. CS sa thải anh khỏi tờ báo, với lý do «vi phạm Quy chế hoạt động của báo và Hợp đồng lao động».

Dù bể chén cơm, nhà báo này vẫn nói tiếng nói lương tâm của người dân Việt. Anh viết trên mạng «Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng».Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên khẳng khái nói tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam «không có tư cách» để nói về những điều này «với nhân dân cả nước», «những ý muốn trên đây chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng» và «chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay». Anh muốn «bỏ điều 4 Hiến pháp» qui định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với toàn xã hội, «lập một Hiến pháp mới(…)thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam», «ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình tiến bộ của dân tộc Việt Nam».

TBT Nguyễn phú Trọng và hàng ngũ lãnh đạo trung ương Đảng CSVN đang chới với trước phản ứng của nhân sĩ trí thức và chuyên môn trong đó có nhà báo Nguyễn Đức Kiên, thì tôn giáo xuất hiện. Hội đồng Giám mục Việt Nam yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp qui định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tổ chức lãnh đạo Công Giáo VN sáng sớm ngày 01/03/2013, trao thư góp ý về Hiến pháp cho Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Không phải yêu cầu bỏ điều 4 Hiến Pháp không thôi, mà Hội Đồng Giám Mục còn yêu cầu Hiến pháp mới phải minh thị qui định quyền của con người, tiêu biểu như quyền tự do ngôn luận, phải ghi rõ ra là «mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình».

Hội đồng Giám mục còn yêu cầu Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo và không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo, như đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển.

Về lý do bỏ điều 4 Hiến Pháp, Hội Đồng Giám Mục góp ý viết: «Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân.»

Ngoài ra về tổ chức công quyền, Hội Đồng Giám Mục nhận thấy dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước. Theo đó cần phải có sự độc lập giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, để tránh tình trạng lạm quyền và lộng quyền.

Hội Đồng thắc mắc tại sao là bản dự thảo Hiến pháp không có chương nào nói về Tổng bí thư đảng cầm quyền, trong khi đây là người nắm quyền hành cao nhất ở Việt Nam, chiếu theo dự thảo Hiến pháp.

Do vậy, Hội đồng Giám mục yêu cầu «xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào».

Những sự kiện và thời sự nêu trên cho dân chúng trong nước đã, đang làm tất cả những gì có thể làm, và không tư bỏ cơ hội nào để giánh lại những quyền sống bất khả tương nhượng của mình mà CS đã tước đoạt và mạo nhận. Cuộc đấu tranh trong lòng địch, việc bám thắc lương địch để đấu, tương kế tưu kế để làm – là việc làm rất khó, khổ, nguy.

Trong khi đó ở hải ngoại, người Việt có quá thừa tự do, dân chủ, mà nhiều khi đi sinh hoạt cho tự do, dân chủ cho đồng bào ở nước nhà VN- mà có người sợ CS cho người chụp hình nhìn mặt đi về VN chơi không được, hay làm biếng đi. Như thế kể ra cũng thiếu trách nhiệm với quốc gia dân tộc đang đau khổ vì CSVN./. 

Vi Anh.

Hiến Pháp Hay Hợp Ðồng Ðiện-Nước

Tôi biết rằng những điều tôi viết sau đây có thể bị Đảng Cộng sản vứt vào sọt rác hoặc thậm chí tệ hơn là có thể bị tống giam nhưng lòng tin vào con người, sự hệ trọng của vấn đề cùng ý thức công dân thúc bách tôi.

Đó là từ ngày 2/1 đến 31/3/2013 Nhà nước sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tháng 5/2013 sẽ trình quốc hội và nếu không có những sự biến lớn thì tháng 11/2013 nhân dân Việt Nam sẽ có bản Hiến pháp mới.

Đây sẽ là bản hiến pháp thứ 5, không kể nhiều lần sửa đổi, trong một thời gian chỉ hơn 6 thập kỷ những người cộng sản cầm quyền.
Chi tiết thì có đầy dẫy những điều khoản mâu thuẫn, lập lờ hoặc hỗn xược thách thức trí tuệ dân tộc Việt nhưng tôi sẽ không đi vào cụ thể mà chỉ nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của một bản hiến pháp hầu mong các đại biểu quốc hội hiểu và tranh đấu cho dân.

Nền tảng cho ngôi nhà Việt Nam:

Có rất nhiều loại, nhiều định nghĩa và cách hiểu về Hiến pháp. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng Hiến pháp là đạo luật cao nhất, quy định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức nhà nước, về quyền công dân, về mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một cách mộc mạc thì “Hiến pháp chính là một hợp đồng trao quyền và giao việc giữa chính quyền và người dân”

Lịch sử cho thấy các quốc gia phát triển và trở thành siêu cường trong một thời gian dài thường gắn liền với nền cộng hòa, nơi con người được tự do tranh luận và khai phóng. Khi quá trình xây dựng được thảo luận kỹ với nguyên lý kiểm soát và cân bằng quyền lực được minh định rõ thì các công dân có thể yên tâm trao phó quyền lực cho cỗ máy cai trị mình.
Xưa La Mã vươn mình trùm cả vùng Địa Trung Hải và nay Hoa Kỳ có thể triển khai quân đến bất cứ nơi nào trên hành tinh này trong vòng 24 tiếng; người Đức thì trù liệu cho cả những vùng đất nằm ngoài biên giới để hơn 40 sau thống nhất cũng không phải sửa đổi hay như Nhật Bản vẫn “quẫy đạp” được trong khuôn khổ Hiến pháp 1946 để có được lực lượng phòng vệ mạnh trước sự gây hấn của láng giềng Trung Quốc tất cả đều bắt nguồn từ sự cẩn trọng trong xây dựng Hiến Pháp.
Lịch sử cũng cho thấy chưa có quốc gia nào trở nên thịnh vượng lâu dài mà không có Hiến pháp hoặc chỉ do ý chí của một nhóm người tạo nên.
Thông thường phía sau những bản hiến pháp mang đầy ngôn ngữ hoành tráng và dự án viễn vông là sự rượt đuổi đến hụt hơi của các nhà lập pháp nhằm thể hiện thực tiễn phát triển vốn rất cụ thể và sinh động.
Hiến pháp quan trọng đến mức Bắc Phi vẫn là nguồn cảm hứng khi những người dân tiếp tục xuống đường biểu tình chống lại dự thảo Hiến pháp của tổng thống Ai Cập, ông Mohammed Mursi.
Rõ ràng sự thôi thúc của dân chủ và sự hãnh tiến về tương lai mạnh mẽ hơn nhiều những ràng buộc tâm linh và tôn giáo khi các bạn trẻ dù theo hồi giáo đã dám cáo buộc tổng thống hành xử như một nhà độc tài trong nỗ lực muốn phá vỡ khả năng kiểm soát và bảo vệ pháp luật của tòa án.
Điều đó cho phép ta lạc quan về nền dân chủ, một khi đã bắt rễ trong xã hội, sự quay lại của các nhà độc tài chắc chắn là gặp trở ngại.
Thật vậy, lập hiến, giống như chúng ta xây dựng một ngôi nhà, nền móng có tốt thì mới bền vững được lâu dài và có khả năng mở rộng và xây lên nhiều tầng cao.
Hiến pháp cũng có thể được coi như bộ rễ quyết định sự vững chắc và độ xum xuê của các nhánh luật pháp sau này. Ngôi nhà có cao và vững chắc hay không, cây pháp lý có nhiều cành và tỏa bóng mát được rộng khắp hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào gốc, phụ thuộc vào khả năng chịu lực, khả năng hút dinh dưỡng là những ý tưởng tự do từ đất mẹ Việt Nam.

Hiến pháp hay cương lĩnh Đảng:

Nhân dân Việt Nam chúng ta sắp sửa có một văn bản tác thành mô hình Nhà nước, một ngôi nhà để tất cả con dân Việt chung sống với nhau.
Liệu chúng ta có giao phó toàn bộ việc này cho những đảng viên đảng cộng sản mà suy cho cùng cũng chỉ có một số người cấp rất cao, với nhóm gen rất nhỏ và dấu hiệu của sự thiểu năng đã lộ rõ, áp đặt ý chí của mình lên việc thiết kế nó?
Điều này chắc chắn không ai khác ngoài các đại biểu quốc hội phải lưu tâm khi thay mặt nhân dân ký kết bản hợp đồng giao việc này.
Tôi nghĩ, nhân dân Việt Nam đã vượt qua bao nhiêu gian khó suốt chiều dài lịch sử nhọc nhằn của mình, sẵn sàng hy sinh một phần khái niệm “Con người” để hướng đến giá trị “Công dân” khi ký kết một thỏa ước lập hiến với chính quyền với điều kiện các quyền công dân đó phải được phản ánh đúng qua những người đại diện của mình.
Nếu như các đại biểu quốc hội chỉ làm theo sự lãnh đạo của đảng mà quên đi những khát vọng thực sự của nhân dân, vốn đang ngày càng khác biệt với ý chí của đảng cộng sản thì điều đó đã hàm chứa sự phản bội hoặc lừa gạt ý chí nhân dân.
Điều tệ hại nhất đã xảy ra là Quốc hội đã giữ lại điều 4 trong Hiến Pháp khẳng định sự lãnh đạo của đảng trên toàn dân tộc Việt Nam, nghĩa là quốc hội đã trao cho đảng một chiếc đũa thần để toàn quyền đan rọ mà mặc nhiên quốc hội phải chui vào.
Khi đó đảng bắt đầu lấy quyền lực chính trị của mình và khái niệm “ổn định chính trị” để ngăn chặn sự thể hiện của tự do công dân bằng cái đuôi “theo quy định của pháp luật” nằm tại rất nhiều điều của hiến pháp.
Có thể các đại biểu đã sai nhưng các Ngài cũng cần phải biết rằng: “Ý chí chung của Nhân dân có thể bị nhầm lẫn, nhưng nó không thể bị phá hủy”.
Đại biểu quốc hội hiện tại gồm nhiều người tốt có thể bị dẫn dụ, mê hoặc và lâu dần tình cảm đó trở thành một niềm nuối tiếc trong tâm thức nhưng ý chí chung của nhân dân và sự đòi hỏi của tri thức, của khao khát thực thi quyền lực đúng đắn đang tiếp tục giục giã tất cả chúng ta đưa đất nước tiến lên.
Hơn lúc nào hết, các đại biểu quốc hội thay mặt người dân cần phải hiểu và đấu tranh bằng được rằng Hiến pháp là gốc của mọi sự phát triển, rằng mục đích phát triển cuối cùng của con người chính là sự bình an và triển nở các giá trị tự do trong não, trong tim của mỗi một con người chứ không phải là giới hạn tự do. Nếu làm suy giảm quyền tự do của công dân bao nhiêu thì sức lực của quốc gia chắc chắn sẽ giảm sút bấy nhiêu.
Các đại biểu cũng đừng sợ và cổ súy cho những “tên bạo chúa tập thể” gồng lên để chèn ép tự do của nhân dân. Các Ngài cần hiểu rằng không những chiếc ghế mà cả sự tự do của các Ngài cũng sẽ không còn nếu cổ súy cho ai đó “xù lông dựng cánh” với nhân dân vì đó là lúc các Ngài đang giúp kẻ thù lăm le xâm chiếm thành bang nở nụ cười đắc thắng. Và nước mất thì nhà có tan không?
Các Ngài cũng cần ý thức rằng những vương triều vinh quang chói lòa rồi cũng đã đi qua, chính trị cũng như cơ thể con người, tuổi già và cái chết đã được cài đặt ngay khi mới sinh ra.
Nếu Hiến pháp không được soạn thảo một cách kỹ lưỡng để nó trẻ hóa và tự làm mới mình trước những biến cố của thời cuộc đầy đầy phiêu du thì sẽ triệt tiêu sức lực của toàn dân và dẫn đến sự tiêu vong của cả dân tộc.
Dù cho đảng có lấy vấn đề ổn định chính trị để ngăn cấm quyền dân thì các đại biểu của dân cần phải hiểu là mình có thể ôm cả đống sách và xô đổ bàn ghế đánh nhau, nhưng ngoài kia, dân chúng vẫn vui vẻ làm ăn, và luật pháp không xáo trộn mới thực là “thái bình thịnh trị”.
Đó mới là cái mà Nhân dân mong muốn ở các Ngài.
Hiến pháp không thể là một cương lĩnh chính trị của một đảng cầm quyền vì bản thân Hiến pháp phải hàm chứa được việc tạo nên một thế cân bằng cho sự phát triển đa dạng.
Đảng Cộng hòa hay Dân chủ chỉ được ví như hai chân trong một cơ thể nước Mỹ, cứ chân này bước lên bốn hoặc tám năm thì chân kia bước tiếp, nó đảm bảo cho sự hài hòa trong nỗ lực đưa quốc gia tiến về phía trước.
Bởi vậy, dù không có đa nguyên Hiến pháp Việt Nam nhất thiết phải cài cắm được những điều kiện tiên quyết của phát triển, nên ngắn gọn, rộng, và bao hàm đầy đủ cho một dân tộc phát triển và tất nhiên không thể là ý chí của một nhóm người hay của một đảng phái chính trị nào.

Ý thức về tương lai:

Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân và quốc hội không có sức mạnh nào khác ngoài quyền lực lập pháp. Vì thế, hơn lúc nào hết, các Nghị sỹ cần phải có ý thức với tiền đồ của dân tộc để thật lòng thể hiện ý chí chung của nhân dân.
Luật pháp quyết không được ban ra theo kiểu: “dự trù” hoặc “thăm dò” vì nó sẽ làm cho người dân nhờn đi, quen với thói quen của sự ăn gian, nấn ná, xem thường…Đại biểu càng không thể cố tình xuê xoa, thỏa hiệp thông qua những vấn đề quan trọng với một thái độ thờ ơ, cả nể.
Xét về mặt phát triển xã hội thì những tiến bộ của loài người gần đây cũng không đi quá xa những điều mà chính ông cha ta đã bàn từ rất lâu.
Bởi vậy, với quyết tâm và tình yêu thật sự, hãy để lại một cái gì đó cho con cháu tự hào, hoặc nếu thấy khó quá thì cứ học theo ông cha đem đầy đủ Hiến pháp của năm 1946 áp dụng lại.
Xây dựng được Hiến pháp đã khó, việc bảo vệ nó khỏi sự lạm quyền của Hành pháp và của chính Quốc hội trong việc bàn hành pháp luật càng khó hơn. Có một sự thật phải thừa nhận rằng sự ly khai khỏi nền tảng chung để hướng đến các lợi ích riêng là điều luôn luôn tồn tại trong sự phát triển của xã hội loài người.
Bởi vậy, cần phải có cơ chế bảo hiến để canh giữ hiến pháp, bảo vệ chính quốc hội khỏi ban hành những bộ luật nhằm thỏa mãn một nhóm lợi ích nào đó, bảo vệ Chính phủ khỏi sự lạm dụng quyền lực trong khi thực thi pháp luật.
Bởi thế cơ chế bảo vệ hiến pháp độc lập phải thực sự được coi trọng.
Tiếc thay, trong ba phương án bảo vệ Hiến pháp là thành lập tòa án Hiến pháp, Hội đồng bảo hiến độc lập và Hội đồng bảo hiến thuộc Quốc hội thì Đảng đã chỉ đạo lựa chọn hình thức thứ ba là hình thức kém độc lập nhất.
Nếu có một cơ chế bảo hiến tốt thì những cái đuôi “theo quy định của pháp luật” như lâu nay, vốn cổ súy cho việc vi hiến tràn lan, sẽ bị chặt đứt. Và đương nhiên các đạo luật sau này ban hành ra thường là để tạo điều kiện cho người dân thực hiện chứ không phải để ngăn cản hoặc tước đoạt các quyền đó.
Các quyền tự do của Công dân đang ghi tại Điều 69 đương nhiên được thực hiện và sẽ mở đường cho hàng loạt nhân quyền khác. Khi đó những Nghị định cấm người biểu tình ở Hà Nội sẽ bị tòa bảo hiến từ chối áp dụng vì vi hiến.
Như vậy thay vì nó là một hợp đồng có được thảo luận kỹ càng thì Đảng mặc nhiên coi đây là hợp đồng áp đặt theo mẫu như lắp điện thoại, cấp nước, cấp điện ở Việt Nam mà người dùng hoàn toàn buộc phải ký chứ không có cơ hội được thảo luận bình đẳng.
Các hợp đồng đó tạo ra cho cá nhân sự bất lợi, còn hợp đồng Hiến pháp là cho các một quốc gia và liên quan đến một vấn đề gai góc và đầy cám dỗ là quyền lực, thì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhường nào.
Luật sư Lê Quốc Quân.







 

Yểm Trợ Phong Trào Ðòi Ðổi Hiến Pháp Việt Cộng


Kính thưa quý Niên Trưởng, quý đồng môn, quý chiến hữu.
 
Như quý vị đã biết, từ đầu năm 2013 đến nay, phong trào đòi thay đổi Hiến Pháp của Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Ngoài các vị trí thức và Dân Oan vẫn đấu tranh từ nhiều năm nay, các Tôn Giáo lớn đã nhập cuộc với những lời kêu gọi cứng rắn đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp, đòi trả lại quyền Tự Do cho dân tộc: Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ cùng các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa Phật Giáo Việt Nam, Cụ Lê Quang Liêm, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo và Hội Thánh Tin Lành cùng quý Mục Sư Menonite, Cơ Đốc Phục Lâm... Nói chung là hầu hết mọi tôn giáo lớn tại Việt Nam đã cùng đứng chung một trận tuyến chống lại tà quyền Cộng Sản.
 
Cùng thời điểm đó, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã viêt những lời hùng hồn, đòi hủy bỏ tất cả những bất công mà Hiến Pháp lỗi thời của Cộng Sản, và đòi trả lại cho dân Việt quyền Tự Do căn bản của con người. Nhạc Sĩ Tô Hải, Giáo Sư Tương Lai cũng vô cùng can đảm vạch mặt chỉ tên những yêu ma chính trị đang lộng hành tàn hại dân tộc. Điều đáng mừng là mọi tiếng nói cương trực này đã được báo chí Mỹ đồng loạt đăng tải. Washington Post, và các tờ báo lớn trên mạng khác đã dịch các phát biểu của các nhà tranh đấu này. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh được giải thưởng lớn về Blogg. Nhà báo Tạ Phong Tần được danh hiệu "môt trong mười người can đảm nhất trên thế giới".
 
Trước tất cả những đòi hỏi chính đáng và quyết liệt như vậy, nhà cầm quyền Cộng Sản đang bối rối, tìm mọi cách dẹp bỏ phong trào này qua các bài báo viết trên giấy hay trên mạng, mạ lị những người can đảm đó. Ngoài ra, chúng còn thuê những tên tay sai hèn hạ đang sống tại các quốc gia Tự Do, tạo ra những vấn nạn chia rẽ tôn giáo, hầu làm lạc hướng của phong trào này. Những điều đó chứng tỏ tà quyền đang gặp khó khăn, một sống một chết. Có thế chúng sẽ quẫy mạnh như con rắn độc trước khi chết, có thể chúng sẽ bỏ tù, bắt giam một số người, có thể có những thủ đoạn thâm độc, gian manh nào đó mà chúng ta chưa nghĩ ra. 
Vì thế, theo thiển ý, nếu người Việt hải ngoại chúng ta tập trung được sức mạnh hiện có, mà yểm trợ phong trào Dân Chủ này, thì có hy vọng một tương lai sáng lạn cho đất nước ta sẽ đến trong nay mai.
 
Cá nhân tôi, một cựu quân nhân, xin được phép mạo muội đề nghị vài biện pháp sau đây, mong quý Niên Trưởng, quý đồng môn, quý chiến hữu thông cảm và bỏ qua cho sự góp ý chân thành này, nếu có điều chi còn sai sót: 
1-Trước mắt, cần bỏ qua mọi dị hiềm sẵn có trong cộng đồng, trong các hội ái hữu, các môn phái mà tập trung ý tưởng vào việc yểm trợ cho phong trào. Những bất đồng xin được tạm thời gác lại, đặt ưu tiên cho danh dự và tương lai dân Việt hơn là danh dự của một tổ chức, hay tệ hơn, là danh dự cá nhân. Những vấn nạn "Ai làm chủ tịch? Ai là hội trưởng? Ai đại diện cho cộng đồng? Tôn Giáo nào tốt hơn tôn giáo nào?" xin được gạt qua một bên. Sau khi mục tiêu tranh đấu của dân Việt đã được thực hiện, lúc đó sẽ trở lại làm trong sạch mọi tổ chức, mọi hội đoàn, để tên tuổi người Việt hải ngoại lừng vang trên toàn thế giới.
 
2-Mọi Hội đoàn, mọi tổ chức, mọi hội ái hữu (Trung, Đại Học), quân đội cũng như dân sự đều thực hiện những bản "Lên Tiếng Yểm Trợ cho Phong Trào đòi thay đổi Hiến Pháp" rầm rộ, gửi trên diễn đàn, đăng trên báo chí, đọc trên truyền thanh, truyền hình, đồng loạt phóng ngọn lửa Dân Chủ này về Việt Nam, để làm nức lòng người dân trong nước, cổ võ những ai đang tranh đấu cho họ thấy việc làm của họ không cô đơn, cùng đánh thức những ai đang mê ngủ hãy tỉnh dậy, tiếp tay với các phong trào tranh đấu khác. Càng nhiều bản lên tiếng yểm trợ này, sức mạnh Dân Tộc càng được nhân lên vĩ đại. Và, nếu thực hiện được khoảng 100 bản lên tiếng, sẽ là những nhát búa cuối cùng đập trên đầu bọn Cộng Sản đang rối loạn, cho chúng thấy Dân Việt đã trỗi dây thành Rồng Thiêng, đốt sạch những tà ma quỷ quái làm tan nát quê hương ta. 
 
Trọng kính.
Chu Tất Tiến, Cựu Quân Nhân QLVNCH.