tirsdag 30. mars 2010

Biết Gì Về Trung Cộng

Biết Gì Về Trung Cộng.

Tôi xin mở đầu câu chuyện nghiêm túc này bằng mối “quan hệ” của tôi với vấn đề Trung Cộng mà tôi sắp kể ra, đó là lý do thôi thúc tôi phải đi sâu tìm hiểu bản chất của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa này. Có thể có những nhà nghiên cứu chiến lược lâu năm có cách nhìn khác và chưa công nhận những điều tôi sắp nói, nhưng với trách nhiệm của một công dân, một người con đất Việt, tôi như là một nhân chứng có thể khẳng định rằng ít ai có cơ hội để “hiểu” Trung Cộng hơn tôi. Cho nên, dù đã có thời gian dài tôi tránh nhắc tới những chuyện đó, nhưng càng tránh tôi càng thấy phải nói ra hôm nay để mọi người cùng biết.

Đúng vậy, tôi không chỉ từng có kỷ niệm 5 năm du học ở Thượng Hải, cái thời mọi người hay hát “Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông / Chung một Biển Đông, thắm tình hữu nghị…”; trước đó tôi đã có hai kỷ niệm sâu đậm và rất hãi hùng liên quan đến Trung Quốc.

Kỷ niệm thứ nhất: Cải cách ruộng đất năm 1953

Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm. Vùng quê ngoại Đức Thọ Hà Tĩnh, nơi chúng tôi theo mẹ tản cư về đã hết yên ổn của vùng tự do thời kháng chiến và bắt đầu chịu cảnh máy bay bắn phá. Nhưng, cuộc “bắn phá” tàn khốc hơn lại chính là những cuộc đấu tố địa chủ và Việt gian phản động trong mọi làng xã ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Ông ngoại tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi có tiếng, chuyên nghề xem mạch bốc thuốc và ông tôi đã cứu sống nhiều người nên được dân trong vùng nể trọng gọi bằng thầy. Tiền bạc chắc chẳng có nhiều, nhưng mùa nào thức nấy, trong nhà ông ngoại tôi không bao giờ thiếu của ngon vật lạ do gia đình bệnh nhân mang đến tág¡ ơn cứu mạng như rổ lạc đầu mùa, cân đỗ xanh, thúng gạo nếp, mớ khoai lang, nải chuối chín, có khi còn có cả con gà sống thiến hay chục trứng tươi… Nhà chỉ có hơn một mẫu ruộng, ông ngoại tôi giao hẳn cho mấy người bà con trong họ trồng cấy và không thu tô, nhưng trong CCRĐ ông tôi vẫn bị quy là địa chủ, mà là địa chủ cường hào.

Mẹ tôi nguyên gốc là cô gái làng dệt lụa Tùng Ảnh ở Đức Thọ, đã theo ông ngoại ra sinh sống ở Hà Nội nhiều năm và có cửa hàng bán tơ lụa ở Hà Nội. Đêm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, mẹ tôi đã bỏ lại hết nhà cửa và tài sản, đưa chúng tôi tản cư về Đức Thọ Hà Tĩnh, vận động nhiều nữ thanh niên bỏ nghề dệt lụa, xây dựng một nghề mới là xe sợi, nhuộm sợi và đan áo rét cho bộ đội. Cặm cụi làm việc đó, mẹ tôi vừa nuôi sống cho gia đình và bản thân, vừa đóng góp tích cực cho kháng chiến. Tôi còn nhớ bài hát “Áo mùa đông” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác vào những ngày đó: “Gió bấc heo may / xào xạc rung cây lá lá bay / một mùa đông bao người đan áo…” chính là nói về công việc của mẹ tôi và các chị, các cô trong Hội phụ nữ kháng chiến cứu quốc. Vào những ngày đó, ở vùng tự do nghèo nàn Thanh Nghệ Tĩnh làm gì có len để đan áo, sáng kiến xe sợi bông, nhuộm sợi thành các màu xanh, màu nâu, màu cỏ úa rồi đan thành áo gửi ra chiến trường, đã được ca ngợi như một chiến công lớn.

Nhưng trong CCRĐ thì công cũng thành tội, có một người bạn thân hồi nhỏ của mẹ tôi là Bí thư chi bộ xã đã treo cổ tự tử vì bị truy bức quá, lập tức mẹ tôi bị gán tội là trùm Quốc dân đảng đã giết ông Bí thư Q‘ó để bịt đầu mối hoạt động gián điệp và mẹ tôi liền bị lôi ra đấu tố. Cay đắng hơn cả là người được Đội cải cách bôì dưỡng để đứng lên đấu tổ mẹ tôi hăng nhất lại là một bà bạn cũng tản cư từ thành phố về và đã được mẹ tôi đưa vào tổ đan áo binh sĩ.

Cha tôi đang ở vùng ATK của chiến khu Việt Bắc nghe tin đó thì hoảng hốt, vội vào Hà Tĩnh đón chị em tôi lên Việt Bắc để lánh nạn. Vừa đặt chân đến Chợ Chu – Định Hóa – Thái Nguyên thì tôi được nghe câu chuyện họ vừa xử bắn bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Đồng Bẩm huyện Đại Từ. Một vụ xử bắn oan nghiệt đối với một người phụ nữ từng có công lớn mà đến nay mọi người vẫn còn nhớ.

Trong các xó xỉnh của Việt Bắc hôì đó, người ta bàn tán về hoạt động của các chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta kinh nghiệm phát động quần chúng đấu tranh giảm tô và đòi ruộng đất về chia cho dân cày mà Việt Bắc và vùng tự do Liên khu 4 được chọn làm điển hình.

Sau này, khi ông ngoại tôi đã mất rồi, đại gia đình có dịp gặp nhau ôn lại chuyện cũ, mọi người đều bảo nhau hãy nén lòng quên nỗi đau buồn đó đi.

Kỷ niệm thứ hai: Trời phạt

Chưa hết hoang mang về chuyện bức hại chém giết lẫn nhau trong CCRĐ, thì chúng tôi được ném vào “Trận đồ bát quái” của tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô.

Liên Xô thì ở tận đẩu tận đâu xa xôi lắm, nhưng Trung Cộng thì ở ngay bên cạnh. Suốt ngày hễ gặp nhau ngoài đường dù chưa quen biết là người ta cũng liền nắm tay nhau hát múa rộn ràng. Hòa bình lập lại, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, thì trên đường phố Hà Nội cũng xuất hiện rất nhiều chuyên gia Trung Cộng. Còn nhỏ xíu nhưng tôi dễ dàng nhận ra họ vì cái áo kiểu Tôn Trung Sơn rộng thùng thình dài đến gần đầu gối, cái quần xanh công nhân cũng rộng thùng thình và cái mũ lưỡi trai bằng vải cũng mầu xanh như vậy. Tòa dinh thự hoành tráng của Hoàng Trọng Phu trước Vườn hoa Canh nông và các biệt thự kế tiếp trên phố Hoàng Diệu và phố Khúc Hạo trở thành Đại sứ quán và khu dành riêng của người Trung Cộng. Mỗi buổi sáng sớm họ đứng kín nửa Vườn hoa Canh nông tập thể dục và hô “I, ơ, xan, xư” ầm vang khu phố Cột Cờ.

Ngày đó gia đình tôi ở gần kề các Đại sứ quán. Là con bé mới học đến cấp 2, tôi không thể hiểu nổi những chuyện đã xẩy ra, nhưng tôi có thói quen ghi nhật ký. ến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ được những trang nhật ký trẻ thơ ghi tỷ mỷ kỷ niệm về lễ mít tinh ngày 1/1/1955 nhân dân Thủ đô chào đón TW Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc trở về, đặc biệt trong cuốn nhật ký cũ ấy, tôi có ghi lại kỷ niệm về một người con gái Trung Cộng tên là Khương Nãi Tuệ, chị ta được tôi tặng hoa và tặng khăn quàng đỏ trong buổi chiêu đãi Đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ do Chủ tịch UBND thành phố Trần Duy Hưng tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội tối hôm 10/9/1955 và cả câu chuyện chiều hôm sau, ngày 11/9/1955, chị Văn công Khương Nãi Tuệ bị chết trong cơn lốc Hồ Tây, khi chị ta đang đóng vai Sen Chúa trong điệu Múa Hoa Sen, trên chiếc sân khấu ghép tạm cạnh Đầm Trị – Phủ Tây Hồ.

Khương Nãi Tuệ chết, mang theo chiếc khăn quàng đỏ do tôi tặng. Cùng chết trong tai nạn đó còn có nghệ sĩ thổi sáo Phùng Tử Tồn và hai người nữa.. Mộ của họ mai táng ở nghĩa trang Bất Bạt huyện Ba Vì..

Sau cơn lốc khủng khiếp đó, tôi hay rơi vào tâm trạng ngẩn ngơ vì luyến tiếc chiếc khăn quàng đỏ thì ít mà vì sợ hãi như thể tôi có liên can tới cơn lốc làm lật úp ba chiếc thuyền và hại chết cô nghệ sĩ múa thì nhiều, nên tôi hay đi lang thang nghe ngóng chuyện người lớn. Rất nhiều câu chuyện nhỏ to đập vào tai tôi về một âm mưu yểm huyệt Hồ Tây nhưng bất thành và những người tham gia vào âm mưu đó đã bị Trời phạt. Ngày đó Trung Cộng và Việt Nam thân nhau lắm, nên người ta chỉ dám xầm xì nửa kín nửa hở và một cô bé con như tôi không sao hiểu nổi thứ tình hữu nghị quái gở gì mà “người bạn lớn thân thiết” lại tìm mọi cách làm hại “đứa em tội nghiệp” vừa thoát khỏi chiến tranh chống Pháp và đang rơi vào cuộc chiến tranh chống Mỹ?

Mấy chục năm sau, để giải tỏa tâm lý cho tôi quanh chuyện chiếc khăn quàng đỏ, nhà ngoại cảm Phan Oanh làng Xuân Đỉnh tặng tôi một bài thơ dài, trong đó có mấy câu: “Tâm con trẻ hồn nhiên không xấu / Dấu nhà Trời ai thấu được đâu / Một dải khăn đào kết một cái cầu / Để hồ thẳm nước sâu / Bà là nhịp cầu giữ yên non nước…”.

Là một đứa con gái xuất thân trong một gia đình có nền giáo dục truyền thống ở Việt Nam, tôi không sao chấp nhận nổi thứ triết lý cách mạng cho phép học trò đấu tố thầy, hành hạ và sỉ nhục thầy như vậy. Nhận thức về một nước Trung Hoa có truyền thống văn hóa lâu đời, hơi phong kiến một chút, nhưng rất nề nếp và rất có kỷ cương đã hoàn toàn sụp đổ trong tôi. Đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi phải chứng kiến hiện tượng vô đạo và bất nhân đáng sợ đó. Rất lâu về sau tôi vẫn không thể hàn gắn được vết thương như những nhát chém trong tim mình, về hình ảnh những Giáo sư đáng kính của chúng tôi bị hành hạ lên bờ xuống ruộng bởi chính những người bạn sinh viên đã từng học tập ca hát bên chúng tôi. Trong số đó, tôi biết, có người không muốn hành xử đê tiện như vậy, nhưng nếu họ đi ngược lại phong trào chung, thì chính họ bị lôi ra đấu tố.

Trần Thanh Vân

Ingen kommentarer: