Luật sư Lê Thị Công Nhân Bị Bệnh Trong Tù.
Nữ Luật Sư nhân quyền Lê Thị Công Nhân đang bị chứng bệnh mắt và sự đau nhức ở trong tù nhưng không được chữa trị. Trong lần thăm con gái mới đây, bà Trần Thị Lệ cho hay như vậy về tình trạng sức khỏe của nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân đang bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Thanh Hóa.
“Khi thăm con gái hồi giữa tháng, con tôi cho biết bị đau nhức rất nhiều và trên mắt có một cái mụn nên tôi rất lo”. Bà Trần Thị Lệ nói với báo Người Việt.
Thỉnh thoảng, theo lời bà Lệ, báo chí trong nước đăng tin cho biết mắt của người ta có cả giun sán lên tới đây vì tình trạng ăn uống mất vệ sinh và kham khổ. Trứng giun trứng sán đi vào máu rồi luân lưu chạy lên tới mắt và phát triển rồi nằm trong một cái bọc ở đó.
“Ðiều này làm cho tôi lo ngại và đã làm đơn xin họ cho con tôi đi ra bệnh viện bên ngoài khám và chữa bệnh”. Bà nói.
L.S Nhân bị chứng viêm mũi mãn tính từ trước khi ở tù nên phải uống thuốc thường xuyên. Bà Lệ vẫn gửi thuốc vào trong tù cho con mỗi khi đi thăm và tiếp tế mỗi tháng một lần.
Theo lời bà Lệ, nhà tù chỉ có một số thuốc chữa trị một vài loại bệnh thông thường chứ không có khả năng và thuốc men chữa trị các chứng bệnh đòi hỏi đến chuyên môn của bác sĩ và thuốc đặc trị, chưa nói tới chuyện cần giải phẫu. Bà cho hay phải chờ xem họ cứu xét lá đơn xin chữa bệnh ra sao và phải mất cả tháng nữa may ra mới biết kết quả. Khi đó, bệnh có thể nặng thêm trong khi thuốc chữa trị không có.
Hiện L.S Nhân đang bị giam chung với khoảng 60 người trong một căn phòng chật hẹp mà mỗi người chỉ được chia cho bề ngang 80cm, chiều dài 2m.
“Bây giờ là mùa nóng, gió Lào thổi rất nóng mà từng ấy con người phải cài vào nhau trong một phòng tù nhỏ như vậy thì phải hiểu là người ta phải chịu đựng như thế nào”. Bà nói.
Khi được hỏi về tình trạng trong tù, bà Lệ cho hay con gái bà chỉ cho biết “vẫn vậy, không có gì thay đổi” và chỉ quan tâm về chuyện bên ngoài. Trước đây, L.S Nhân từng cho hay tất cả các nữ tù đều phải múc nước giếng tắm truồng ở giữa trời bất kể trời nóng gắt mùa Hè hay giá lạnh cắt thịt mùa Ðông.
Luật Sư Lê Thị Công Nhân, năm nay 30 tuổi, bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nứơc” CSVN theo điều 88 của Luật Hình Sự trong khi hiến pháp thì nói người dân có quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 11 Tháng Năm 2007 đã kêu án 4 năm tù và ba năm quản chế. Cùng một vụ án, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài bị 5 năm tù và 4 năm quản chế.
Trước sự đả kích mạnh mẽ của thế giới, chế độ Hà Nội đã giảm án tù 1 năm cho mỗi người trong phiên xử phúc thẩm cuối Tháng Mười Một 2007. Các luật sư biện hộ đã nêu ra cho thấy tòa án CSVN đã hoàn toàn vi luật trong thủ tục hình sự tố tụng cũng như các sự gán ghép tội trạng đều khiên cưỡng và hoàn toàn vu cáo. Ðây chỉ là sự dàn dựng để chế độ Hà Nội bỏ tù những ai dám thách đố quyền lực thống trị độc tài của đảng CSVN nên họ sẵn sàng xài luật rừng để đạt điều họ muốn.
Trước khi có phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Tấn Dũng công du Ba Lan (giữa Tháng Chín 2007). Khi bị báo chí nước này chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền và vụ án Lê Thị Công Nhân, Nguyễn tấn Dũng đã nói rằng nếu nước Ba Lan nhận, chế độ Hà Nội cho L.S Nhân đi ngay.
Tuy nhiên, L.S Lê Thị Công Nhân đã cương quyết từ chối. Hơn một lần, Bộ Công An CSVN cử người tới điều đình với L.S Nhân và cả với bà Trần Thị Lệ yêu cầu bà thuyết phục con gái, đề nghị “nhận tội và xin khoan hồng” thì sẽ được trả tự do sớm. Tuy nhiên, L.S Nhân đã cương quyết từ chối.
Trong một lần tiếp xúc với báo Người Việt, bà Lệ cho hay viên chức Bộ Công An CSVN đem đến cả giấy và bút sẵn sàng để bà viết đơn “kiến nghị” thay cho con gái xin “khoan hồng”. Nhưng bà cho hay phải hỏi ý kiến con gái.
Trước khi bị bỏ tù, nữ Luật Sư Lê thị Công Nhân từng tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng hay thỏa hiệp với một chế độ không tôn trọng quyền làm người của người dân.
Ðược biết, trong các cuộc đối thoại nhân quyền với chế độ Hà Nội, chính phủ Hoa Kỳ cũng như Liên Âu đều coi trường hợp L.M Nguyễn Văn Lý, L.S Lê Thị Công Nhân, L.S Nguyễn Văn Ðài là những trường hợp điển hình và quan tâm hàng đầu đòi phải được trả tự do tức khắc.
Thành Viên
tirsdag 9. juni 2009
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar