søndag 4. mai 2014

LỄ TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ ĐEN


 
HỘI NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN
LỄ TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ ĐEN
 
Ba mươi chín năm dài tang chế, hôm nay như những năm qua, với hai thế hệ, trước và sau mốc biến cố lịch sử đau thương của dân tộc, cùng đến với nhau lúc 15 giờ 20 phút và cất vang bài quốc ca, và dành giây phút trang nghiêm để tưởng niệm những anh hùng dân tộc vị quốc vong thân, nhắc nhớ đến hàng vạn đồng bào trên đường tìm tự do kém may mắn gởi thân trong lòng biển cả để những người sống sót được thế giới mở vòng tay đón nhận.
 
Buổi lễ tưởng niệm biến cố lịch sử 30 tháng tư do Hội Người Việt Tỵ Nạn tổ chức được diễn ra vào Chủ nhật, 27.04.2014 tại hội trường Rælingen.
 
Nghi thức dâng hương tế lễ được 3 vị đại diện: Hội Cao Niên Người Việt Tỵ Nạn, Hội Ái Hữu Quân Cán Chính VNCH & Hậu Duệ và Môn phái võ cổ truyền Bình Định, lên thắp hương khấn vái trước bàn thờ Tổ Quốc.
 
Người dẫn chương trình, anh Phạm Bá Công với đôi lời trước hết cáo lỗi cùng đồng hương vì lý do ngoài ý muốn anh Hội trưởng vắng mặt hôm nay. Do đó phần thuyết trình về đề tài liên quan đến biến cố 30 tháng tư mà thuyết trình viên không là nạn nhân của tháng tư đen cũng xin gác lại. Và chị Nguyễn Huỳnh Phương, trong vai trò Hội phó/HNVTN cũng là Trưởng ban tổ chức thay mặt BCH/HNVTN ngỏ lời chào mừng quan khánh, qua đó chị Huỳnh Phương mong mỏi quý đồng hương miễn chấp cho sự khiếm khuyết này.
 
Nhạc khúc "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" được toàn ban văn nghệ HNVTN hâm nóng lại khí thế hào hùng của dân tộc Việt trước khi đi vào nội dung chính của chương trình tưởng niệm.
 
Khác với những lần tổ chức tưởng niệm mọi năm, hôm nay ban tổ chức chọn một mô thức mới để phần nội dung được sinh động. Đề tài tưởng niệm sẽ nói lên được tâm tư của giới trẻ, là những người chưa kinh qua cuộc chiến Việt Nam. Anh Nguyễn Minh Tuấn được mời lên diễn đàn để bày tỏ quan điểm của mình. Trước khi đi vào nội dung của đề tài thuyết trình anh Nguyễn Minh Tuấn không tự cho mình là thành phần trẻ, cũng không dám nói mình thuộc thế hệ đàn anh, mà anh chỉ là gạch nối giữa 2 thế hệ.
 
Khi nhắc đến mốc thời gian 30 tháng tư, anh Tuấn phân tách các tên gọi khác nhau giữa 2 bên thắng và thua trong cuộc chiến, đó là: "Ngày Giải Phóng Miền Nam", "Ngày Thống Nhất", "Ngày Hòa Bình", "Ngày Quốc Hận" hay "Ngày Mất Nước".
 
Cũng theo nhận định của anh Tuấn, chúng ta hiện diện trong hội trường này sẽ không thể nào chấp nhận được các cụm từ "Ngày Giải Phóng Miền Nam", "Ngày Thống Nhất" hay "Ngày Hòa Bình". Mà hệ quả sau 30 tháng tư chỉ là "Ngày Quốc Hận" hoặc "Ngày Mất Nước". Bởi sau cuộc chiến tranh tàn phá đất nước này là 39 năm lãng phí, đất nước lạc hậu và dân tộc điêu linh dưới sự cai trị độc tài tàn bạo từ chính sách ngu dân được áp đặt bởi đảng cầm quyền CSVN.
 
Phát biểu cảm tưởng qua cái nhìn của anh Phạm Bá Công đối với mốc thời gian "Tháng Tư Đen" anh nhấn mạnh rằng, có những khoảnh khắc chúng ta cần nhớ, có những nơi chốn không cho phép chúng ta quên. Chúng ta liều mình bỏ nước ra đi là chấp nhận đương đầu với vô số bất trắc của cuộc hải hành đầy gian nan nguy hiểm. 30 tháng tư năm nay người Việt tỵ nạn gặp nhau, không những chỉ để nhắc lại những ngày tháng đau thương mà còn là sự tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống cho chúng ta được sống. Chúng ta là những thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn cộng sản, gọi đó là những câu chuyện còn mãi đến ngàn sau...
 
Cũng trong phần phát biểu cảm tưởng, một số quan khách trưng dẫn thứ sách lược tệ hại mà Việt Nam cộng sản đang áp dụng, cùng các tệ nạn xã hội đang xảy ra tại quê nhà, và những gợi ý xây dựng cho cộng đồng hải ngoại cũng như sự lo lắng chung của người tỵ nạn. Điểm nổi bật được cử tọa ghi nhận là, vì các lý do thông thường và luật trời quy định, giới cha anh ngày càng hao hụt dần. Trong khi đó giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba ngày càng đông nhưng vì cuộc sống bươn chải, nhất là chưa nhận thức đúng đắn sự có mặt của họ tại nơi này, nên giới trẻ thường lơ là đối với buổi lễ tưởng niệm 30 tháng tư. Do vậy, điều quan trọng là từng mỗi bậc cha mẹ, mỗi gia đình nên thường xuyên nhắc nhở con em mình, để con cháu biết vì sao chúng ta có mặt tại đất nước này.
 
Xen kẽ chương trình có phần phụ diễn văn nghệ với các ca khúc qua chủ đề "Tháng Tư - Mùa Quốc Tang" được ban hợp ca HNVTN trình bày như: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Anh Là Ai?, Về Đây Nghe Em, Việt Nam Tôi Đâu?, Việt Nam - Việt Nam, Chiến Sĩ Vô Danh v.v...
 
Buổi lễ kết thúc vào lúc 17 giờ 45 cùng ngày.
 
(Phạm Sĩ Việt tường thuật)

Ingen kommentarer: