torsdag 26. februar 2015

Đủ Kiểu Cho Thuê Ngày Tết


Trong dịp Tết vừa qua bạn đọc đã “bội thực” vì đã có quá nhiều chuyện, nhiều cảnh về Tết nhất ở VN cũng như ở nước ngoài. Bây giờ quý vị ở đâu cũng có thể xem toàn cảnh Tết ở VN qua “thế giới phẳng”. Nhiều vị còn “rành” hơn tôi vì chịu khó xem phong cảnh quê nhà, còn tôi tuy ở giữa Sài Gòn nhưng cho tới hôm nay chưa hề bước chân ra đến đường hoa “xem nó mần răng”. Bởi cứ nói đến “đường hoa” tôi chỉ nhớ đến Đường Hoa Nguyễn Huệ. Bây giờ nó “chạy loạn” về đường Hàm Nghi với tên gọi Đường hoa Tết Ất Mùi 2015, tôi không còn thích thú nữa.

Những năm trước tôi đến đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ đề xem hoa mà từ trong thâm tâm là đi tìm lại kỷ niệm cũ ở chốn này với “những người muôn năm cũ”. Ngay từ ngày mới biết yêu, tôi đã lén lút hẹn cô “nhân tình bé” của tôi ngày 29 Tết gặp nhau ở đường hoa, nàng đi với các anh các chị còn tôi solo đón nàng. Khi đó hai đứa còn giấu gia đình, chưa ai biết chuyện tình mới toanh của chúng tôi, gặp chỉ để nhìn nhau một tí cho đỡ nhớ chứ chưa biết “nháy nháy” như các đàn anh đàn chị. Cái giây phút ấy mới thấy đúng là mùa xuân đi giữa đường hoa Sài Gòn. Làm sao quên!

Rồi đến khi yêu nhau, nắm tay nhau dung dăng dung dẻ giữa đường hoa, ngửi mùi mái tóc nàng lẫn trong hương thơm các loài hoa cộng lại. Ôi trời, hạnh phúc chỉ giản dị có thế thôi mà đến bây giờ còn phảng phất đâu đây. Khi có con cái cũng dắt nhau ra đường hoa ngày Tết, nhìn mồ hôi ướt lưng áo lũ nhóc, bèn kéo nhau vào tiệm kem bên đường Nguyễn Huệ làm một ly, sao kem lúc đó ngon thế. Bây giờ còn thấy ngon.

Tôi kể thế chắc nhiều vị độc giả đứng tuổi đã từng sống ở Sài Gòn, cũng có cái “màn” tình tứ kiểu này hoặc khác một tí thôi.

Nhưng năm nay đến đường hoa lạ hoắc để làm gì, chỉ gợi nhớ thêm hình xưa bóng cũ càng buồn. Nhìn hình ảnh qua các báo, chỉ thấy “mấy chú dê nở hoa” và nhất là vừa nghe tin đường hoa vừa mở cửa đã bị dẫm nát tơi bời, như thế thì văn hóa cũng đội nón ra đi. Chính vì lý do đó, tôi không “lết” ra  đường hoa. Tôi cũng đã quá quen khi nói đến đường hoa là phải gắn liền với Nguyễn Huệ. Nghe cái tên “đường hoa Hàm Nghi” cứ như có ai đó gọi nhầm tên người yêu của mình vậy. Thà ngồi nhà gõ máy kể chuyện với bạn đọc còn thú hơn. Ngày Tết “kiêng” nói chuyện buồn, chuyện tức mình, tôi kể vài chuyện vui vui, có lẽ chỉ có ở VN. Có vị về VN đã biết nhưng cũng có nhiều vị chưa biết loại chuyện này.

Muốn thuê gì cũng có:

Chỉ có thời đại này mới phát sinh ra nhiều kiểu kiếm tiền không cần xấu hổ. Bởi ảnh hưởng từ gia đình đến trường học cùng với đời sống xã hội đã tạo nên tâm lý đi học để kiếm tiền, để làm quan, để làm giầu. Cứ anh chị nào có tiền là dân sang cho nên những người ít tiền phải làm đủ cách để kiếm tiền. Khái niệm về đạo đức đã không có chỗ ngay từ thuở ấu thơ. Thay vào đó là “tiên học tiền, hậu học chảnh”. Cứ cái gì có tiền là lao vào làm, cái gì không có thì thuê. 

Vậy thì những “lò cho thuê người” ra đời công khai trên các trang web chẳng có gì lạ. Nó có muôn hình vạn trạng và…. “cam đoan đó là nơi tử tế” (sic!) chứ không phải những động mãi dâm. Tôi không nói đến những dịch vụ đàng hoàng như cho thuê người làm Tết, trông nhà Tết hoặc những nơi chính thức cần người làm thêm. Ở đây, tôi chỉ bàn đến những dịch vụ “lập lờ”, hiểu thế nào cũng được.

Bạn muốn thuê người yêu đi chơi Tết, đi chơi Trung Thu hay bất kỳ lễ lạc nào cũng được, hoặc vờ làm vợ hay chồng chưa cưới để che mắt bố mẹ họ hàng cũng có ngay. Nhưng dịch vụ mà chính tôi cũng “ngọng”, chưa biết tới, đó là cho thuê chồng.

Ai cần thuê chồng ?:

Thời nay nhiều phụ nữ trên 30 tuổi vẫn chưa chịu lấy chồng vì nhiều lý do khác nhau. Hoặc là giàu có, kén chọn mãi chẳng được anh nào vừa ý, hoặc chôn sâu một mối tình trong lòng nhưng chẳng bao giờ dám thổ lộ ra hoặc vỡ mộng vì một anh tưởng là quý phái hóa ra chỉ là du côn nên từ đó cạch mặt mấy anh mon men đến tán tỉnh.
Có bà đã từng ly dị và chán cảnh chồng con phiền toái hành hạ. Có bà đã ngoài 40 mà vẫn lẻ bóng. Ở cái tuổi này, người ta vẫn gọi là “cao không tới, thấp không thông”, cái gì cũng chông chênh, lỡ cỡ. Bởi thế mà bà rất khó tìm được ý trung nhân, dù bà cũng chẳng phải người khó tính hay kén chọn gì. Đôi lúc soi gương thấy mình “hơi bị luống tuổi” và vẫn muốn độc thân cho rảnh nợ đời. 

Nhưng những ngày Tết, lòng xuân phơi phới, thấy người ta dập dìu bên nhau bèn động lòng trắc ẩn, lại sợ mang tiếng mình “ế”, có khi bị gia đình thúc ép nên nẩy sinh nhu cầu muốn có người đi chơi Tết, giải quyết việc hãnh diện với họ hàng, nhiều phụ nữ đã tìm đến dịch vụ thuê chồng.

Có cầu ắt có cung nên ngay tại TP. Sài Gòn và Hà Nội có công ty SPN môi giới thuê chồng, với lời mời chào khá hấp dẫn: "Bạn mệt mỏi vì chồng phó mặc toàn bộ việc nhà?. Bạn là người phụ nữ độc thân, góa hay đã ly dị chồng nên không thể tự làm một số công việc?. Đừng lo! Vì đã có dịch vụ cho thuê chồng của công ty TNHH một thành viên TM- DV- ĐT SPN. Bạn muốn thuê chồng kiểu nào cũng có ngay.

Ngoài ra, mấy chị em cùng cảnh ngộ lần mò tìm trên một số website cũng được cung cấp một vài địa chỉ như: Caphe.vn..., henantrua.net... Trên trang chủ của một website hẹn hò, có chế độ "mở" để tạo những mối quan hệ mới, có rất nhiều cuộc hẹn được thiết lập, để tìm người đi chơi Giáng sinh, chơi Tết, hay thậm chí chỉ là một cuộc hẹn đi cà phê cuối tuần.

Mối quan hệ có đứng đắn thật không ?:

Lên mạng tìm bạn trai, tìm thuê chồng là một giải pháp hữu hiệu mà nhiều phụ nữ lựa chọn. Gần đây, những lời “chào hàng” mùi mẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng, bởi thế, chẳng khó khăn gì cho các chị vào cuộc kiếm chồng...

Người "chồng" đó sẽ giúp bạn làm các công việc như: Sửa chữa đèn chiếu sáng, làm lại mái tôn, sửa đường ống nước, làm mộc... Thậm chí, hộ tống bạn đến những bữa tiệc hoặc dạ hội sang trọng, đi cùng để chọn và xách đồ khi bạn đi shopping, cùng đi uống cà phê, xem phim, trò chuyện và chia sẻ với bạn niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... Nhưng tuyệt đối không có vấn đề về sex".

Kèm bên cạnh mẩu rao vặt ấy là đầy đủ địa chỉ và số điện thoại cung cấp dịch vụ cho thuê chồng. Và những dịch vụ này mọc lên, ắt hẳn sẽ có người cần đến nó, bởi "cung" thường đi kèm với "cầu"... Nhưng còn những “phát sinh” khác trong hợp đồng cho thuê lại là chuyện khó nói.

Bà chủ hãng cho thuê chồng là ai:

Trên báo Dân Trí, phóng viên báo này đã trực tiếp gặp được bà chủ “hãng cho thuê chồng”. Nữ phóng viên này tiết lộ cuộc gặp đó khá dễ dàng như sau:
“Tiếp tôi tại một quán cà phê sang trọng trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP Sài Gòn) là Giám đốc Công ty TNHH SPN (có trụ sở ở quận 2) - bà P.T.T, là một phụ nữ có dáng quê mùa và chuyện trò cởi mở.

Tôi mở lời: 
- “Em có một con, chồng ly dị, em muốn thuê một ông chồng nào đó  về hàn huyên tâm sự cho đỡ buồn!”
- Bà T. vồ vập: “Chồng thì lúc nào cũng có, vấn đề là tiêu chuẩn ông chồng của em đưa ra thế nào?”
- “Thì chững chạc, có trình độ một chút”, tôi nói.
- “Ôi, thiếu gì em! Đến với chị thì ok hết!”.
Và, rất nhanh gọn, bà T ra giá: “100 ngàn đồng một giờ!”. Thấy tôi có vẻ băn khoăn “chuyện kia”, bà T vội vàng cam kết: “Không có sex đâu! Công ty đã có hợp đồng về chuyện này rồi!”.  

Ban đầu, yêu cầu “thuê chồng đi du lịch” của tôi bị từ chối thẳng thừng, vì bà T có phần đề phòng. Tuy nhiên khi câu chuyện đôi bên đã có phần cởi mở, bà T cho biết nếu thuê chồng đi du lịch thì phải có thoả thuận khác. Thoả thuận ấy chỉ xoay quanh vấn đề giá cả: 500 ngàn đồng/ngày, 2,5 triệu đồng/tuần. Thuê trọn tháng thì giá lại khác.

Đồng ý với nhau giá cả  xong, bà T đưa một loạt danh sách dài dằng dặc những người sẵn sàng làm lang quân hờ cho tôi.
Sau một hồi kén chọn, tôi quyết định chấm cho mình ông chồng làm bác sĩ (theo quảng cáo của bà T), tuổi đã tứ tuần.
Tôi hỏi nhà môi giới: “Anh này thì em ưng lắm, nhưng lỡ người yêu hay vợ ổng đánh ghen, tạt axít em thì sao?”.
Bà T cười trấn an: “Ông này đang độc thân! Yên tâm đi em ơi!”.

Buổi hẹn đầu tiên:

 Sau buổi gặp mặt với tôi, qua thư điện tử bà T gửi cho tôi “lý  lịch trích ngang” của hai “ông chồng” để  tôi lựa chọn. “Ông chồng” đầu tiên tên H.H được bà T giới thiệu là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi xin gặp mặt nhưng bị khước từ với lý do ông này đang đi công tác. Xác minh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Đặng Vạn Phước - Phó Giám đốc Bệnh viện - khẳng định với tôi bệnh viện không có ai là bác sĩ H.H cả.

 “Ông chồng” thứ 2 có tên là Đ.N.T, theo lời bà T là Giám đốc kinh doanh cho Công ty mực in T.P. Tôi quyết định chọn ông này. Chỉ  một cú điện thoại, chẳng phải chờ đợi lâu, tôi đã được gặp “đức lang quân” của mình. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Phan Xích Long.
Đúng hẹn, tôi đến quán cà phê đã thấy “chồng” ngồi đợi sẵn. Đó là một người đàn ông hơi mập, lùn và có giọng nói lý nhí rất khó nghe. Tôi hỏi là giám đốc sao có thời gian làm “chồng” thuê? Ông này nói: “Thì... kiếm thêm chút đỉnh!”.
Chuyện thuê chồng lan man một hồi đến “đoạn Z”.
Tôi hỏi thẳng: Nếu phục vụ “đến bến” thì phải trả thêm bao nhiêu so với hợp đồng cũ. Ông này úp mở rằng giá thì chưa rõ, do công ty quyết định. Nhưng trong “phi vụ” này, anh ta chỉ được hưởng từ 30 đến 50% hoa hồng. Ông chồng sắp thuê gợi ý sau này nếu tôi cần T “làm chồng” nữa thì cứ liên hệ trực tiếp với ông ta, ông sẽ chỉ thu của tôi bằng một nửa so với bà T.

Bà P.T.T.T - Giám đốc Công ty SPN - thừa nhận là Công ty mình có dịch vụ cho thuê “chồng”. Bà T cho rằng có cử người đi gặp khách hàng đang tìm hiểu dịch vụ của công ty mình, còn chuyện đi khách sạn là do hai người này...  tự thỏa thuận với nhau, họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Câu chuyện đi thuê chồng giản dị như thế. Còn “chuyện kia” có hay không là do đôi bên thỏa thuận. Người đàn ông làm nghề cho thuê thường giấu nhẹm nghề nghiệp của mình. Đó cũng là chuyện thường tình. Chỉ khi nào thân mật lắm mới biết tường tận cuộc sống của nhau. Người cho thuê và người đi thuê đều thế cả.

Hai cuộc tìm chồng “kiểu mẫu” theo lời kể của người đi thuê:

Hồng Anh - 28 tuổi, công ty truyền thông Bách Nhật (Hà Nội) cho biết: "Cứ hai tuần một lần, mẹ tôi gọi điện thoại hỏi xem "có gì mới chưa". Ở quê, bằng tuổi tôi là các bạn đã có con bồng, con bế. Nhân dịp, mẹ ra ăn cưới, tôi mới nghĩ ra kế, thuê chồng... hờ để khỏi bị mẹ nhắc nhở. Tôi liền vào trang web: Henhotrua... làm quen với một người 30 tuổi, làm ở một công ty X, sau hai lần cà phê, người này đồng ý làm "chồng hờ" của tôi.

Anh ấy kể, trước tôi, anh ấy đã làm chồng hờ cho một vài người nên khá quen với kiểu này. Giản dị chỉ là làm chồng "giả vờ" thôi, sau khi "diễn" khá đạt, tôi phải “bồi dưỡng” cho anh ta 500.000 đồng. Mẹ tôi có vẻ yên tâm, vì đã được nhìn thấy "con rể tương lai", từ đó không điện thoại giục tôi nữa. Còn tôi, thì có thời gian tìm hiểu mối quan hệ khác một cách nghiêm túc để tiến tới hôn nhân".

Ngoài tìm chồng hờ để cha mẹ yên lòng, nhiều quý cô tìm đến dịch vụ này để tìm sự chia sẻ, tìm bạn tâm giao. Chị Hoàng Anh (khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Nhiều người quan niệm rằng, các mối quan hệ trên mạng đều là ảo và không đáng tin cậy, nhưng với tôi, nó không hẳn như vậy. Tôi đã tìm được một người chồng hờ tốt bụng, giờ trở thành người bạn thân của tôi.
Khi nào có chuyện buồn, tôi hay tâm sự với anh ấy, nhà có đồ điện hỏng, đường ống nước bị tắc, tôi cũng nhờ anh ấy đến sửa chữa. Tôi và anh ấy đều đã ly dị, cùng quen nhau trên mạng. Tôi thích một người cao to, lãng mạn nhưng anh ấy thì hơi nhỏ con, lại khô khan nên không thể yêu nhau. Chúng tôi chỉ dừng lại ở mức chia sẻ tình cảm bạn bè. Có việc cần thiết, chúng tôi nhờ nhau và cảm thấy thoải mái với mối quen hệ này...".

Tuy nhiên đó là theo lời “trần tình” của người đi thuê. Còn chuyện riêng tư bí mật chỉ có 2 người biết và thỏa thuận ngầm với nhau chỉ có trời biết. Bà chủ “hãng cho thuê” cũng đành chịu thua.

Coi chừng rơi vào bẫy:

Tuy nhiên ngoài những cuộc hẹn công khai và “nghiêm túc”, nhiều phụ nữ cũng gặp chuyện rủi ro khi tham gia vào việc... tìm chồng trên mạng. 

Hấu hết những người đàn ông đi làm "nghề" cho phụ nữ thuê làm chồng trên các diễn đàn hoặc web hẹn hò đều là công nhân hoặc người thất nghiệp, một số ít là sinh viên đang cần việc. Từ việc đóng vai "chồng tốt mã", có ông "chồng hờ" bất lương thực hiện từng bước chiêu lừa tiền, ép tình với những phụ nữ có danh phận, địa vị. Một phụ nữ tên Hoa (ở Ba Đình, Hà Nội, làm viên chức ở công ty xây dựng) bị chồng bỏ theo bồ nhí, cần "chồng hờ" để về quê "che mắt" họ hàng. 

Anh "chồng hờ" này đã đóng trọn vẹn vai trò của mình cứu với giá khá cao. Thế nhưng, sau đó, anh "chồng hờ" này trở mặt, liên tục đòi thêm tiền và doạ, nếu chị Hoa không chi, sẽ về tận quê loan tin cho họ hàng biết sự thật để gia đình chị xấu hổ. 

Trường hợp khác, có người thuê chồng nhưng lại bị vợ của "chồng hờ" cho người đến đánh ghen vì nghi "tòm tem" với chồng mình. Trường hợp khác, một góa phụ 40 tuổi giàu có, bị bà vợ của "chồng thuê” tạt luôn chai axít vào người vì nghi bà quyến rũ chồng mình.

Ngoài ra còn thứ dịch vụ bất nhân hơn là cho thuê người đi ăn xin. Một anh “chủ lò” đứng ra thuê những ông bà già đói rách mới từ nhà quê ra, những đứa trẻ gầy ốm quặt quẹo rồi đưa đến địa điểm dễ xin tiền nhất để “hành nghề”. Sau đó đến nộp lại cho “ông chủ”. Cái cảnh này không hiếm ở các thành phố lớn.

Cho thuê chồng ở nhà quê:

Quả thật tôi rất bất ngờ khi đọc được câu chuyện này ở tận miền Lục Tỉnh.
Vợ chồng anh Tám T ở xã Mỹ Phong – thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang ăn ở với nhau đã có vài mặt con nhưng không chịu làm ăn nên cảnh nhà trở nên nheo nhóc.
Cư dân ở xã này có tiếng là chí thú làm ăn, bởi nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa tết và nghề sản xuất sợi hủ tíu, bún, bánh từ bột gạo.
Tám T. không chấp nhận cảnh quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối trên ruộng rẫy. Lưng dài, vai rộng, lại thêm cái mã ngoài trắng trẻo điển trai, Tám T. tối ngày rong chơi ca hát, đàn đúm nhậu nhẹt chơi bời cùng chúng bạn và…cua gái, chiều chiều thường ra quán cà phê tán dóc. Bất ngờ anh gặp được một người phụ nữ tên B rất thú vị. Tôi chỉ kể tóm tắt câu chuyện khá dài này.

Vài ngày sau cô B. thẳng thừng thừa nhận, ngay lúc nhìn thấy Tám T. cô đã bị hớp hồn nên đến làm quen, cô B. nói thẳng cho Tám T. biết, cô lớn hơn Tám T. 3 tuổi và muốn chung sống với T., bất chấp chuyện anh này đã có vợ con.

Điều kiện đưa ra hết sức giản dị: mỗi tuần Tám T. về nhà cô B. làm chồng 3 ngày, được toàn quyền sử dụng xe cộ đắt tiền và các vật dụng trong nhà như một “chủ nhân ông” thực sự. Đổi lại, cô B. sẽ lo lắng cho Tám T. chu toàn và trả tiền “công làm chồng” mỗi ngày một triệu đồng. Cô B. yêu cầu Tám T. về bàn bạc với vợ con để cùng chấp nhận “hợp đồng thuê chồng”, nếu đồng ý thì thực hiện ngay lập tức.

Tám T. đem chuyện cô B. về hỏi ý vợ, chẳng ngờ bà vợ nghe vậy không thèm nổi cơm tàm bành như bao phụ nữ khác mà cười tươi rói, gật đầu đồng ý cái rụp, lại còn ra điều kiện: tiền công làm chồng phải đem hết về đưa cho vợ, trách nhiệm lo cho Tám T. từ nay thuộc về cô B.
Vậy là chỉ sau một đêm, Tám T. từ anh nhà quê thất nghiệp, không đồng xu dính túi trở thành “giáo sư ngoại ngữ”, ba ngày trong một tuần mang giày da láng bóng, áo bỏ trong quần bảnh bao, đi xe gắn máy đời mới bóng lộn cặp kè bên bà “giáo sư ngoại ngữ” lớn hơn mình 3 tuổi.
Những ngày không làm chồng thì Tám T. về nhà vợ lớn nằm khểnh hoặc lăn lóc với đám bạn hữu bên bàn cà phê, sóng nhậu. Nếu cô B. có nhu cầu tăng thêm thời gian “thuê chồng” bất ngờ, vợ Tám T. sẵn sàng chấp nhận, nhưng những ngày như vậy thì…tiền công tăng gấp đôi theo kiểu “làm ngoài giờ”.

Chuyện Tám T. làm nghề “chồng thuê” xứ Mỹ Phong ai cũng dị nghị. Cười Tám T. một nhưng họ cười người vợ của anh “chồng thuê” tới mười. Mấy bà già trầu ở làng Mỹ Phong nói, xưa nay chưa thấy người đàn bà nào như vợ Tám T. Nhưng ai nói gì mặc họ, vợ Tám T. luôn tự hào là nhờ cho thuê chồng mà gia cảnh ngày càng khấm khá, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi để ăn xài, chưng diện… Chị ta “ngồi xổm” lên dư luận.

Vài chuyện tôi kể với bạn đọc đúng vào ngày Tết Nguyên Đán này cho vui thôi nhưng bạn cũng đã thấy được chuyện đạo đức luân lý ngay ở nông thôn đã suy đồi tới ngoài sức tưởng tượng của người Việt chúng ta. Làm thế nào chấn hưng đạo đức không phải chỉ vài năm mà làm được. Cái nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự băng hoại của toàn xã hội vài chục năm nay, cuộc sống đầy gian dối khiến con người đã quá quen với sự tranh đua khốc liệt bất cần đạo lý. Có lẽ cả thế kỷ sau mới có hy vọng phục hồi vết thương quá sâu nặng này.
Văn Quang.
 

Ingen kommentarer: